ĐỀ ÁN TUYỂN SINH NHÓM VÀO ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
( Các bạn sắp dự thi vào ĐHĐN cần lưu ý đọc kỹ)

Các Trường, Phân hiệu, Khoa, Viện tham gia đề án:
1. Trường Đại học Bách khoa 
2. Trường Đại học Kinh tế 
3. Trường Đại học Sư phạm
4. Trường Đại học Ngoại ngữ
5. Trường Cao đẳng Công nghệ
6. Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin
7. Phân Hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum
8. Khoa Y Dược
9. Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh

I. Mục tiêu của đề án:
Đề án tuyển sinh nhóm vào Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) nhằm xây dựng một phương án tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia, với sự tham gia của tất cả các cơ sở giáo dục đại học thành viên, các đơn vị đào tạo trực thuộc ĐHĐN (sau đây gọi là đơn vị thành viên) để: 
- Tạo sự thống nhất trong mọi hoạt động của ĐHĐN, trong đó có công tác tuyển sinh. 
- Giảm tình trạng trúng tuyển ảo cho các Trường, Phân hiệu, Khoa, Viện thành viên trực thuộc ĐHĐN.

II. Phương án tuyển sinh theo nhóm trường:
1. Điều kiện và cách thức đăng ký xét tuyển của thí sinh
a) Điều kiện ĐKXT: 
- Xét tuyển vào đại học, cao đẳng hệ chính quy: Thí sinh đã tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì, đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 6 của Quy chế tuyển sinh và thỏa mãn quy định của Bộ GD&ĐT về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. 
- Xét tuyển liên thông chính quy: Thí sinh đã tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì, đã tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp (đối với thí sinh liên thông cao đẳng) hoặc cao đẳng (đối với thí sinh liên thông đại học) tại các trường trong Phụ lục 3 của Đề án này.

b) Cách thức đăng ký nguyện vọng: 
- Thí sinh được phép đăng ký xét tuyển vào nhiều trường (hoặc Phân hiệu, Khoa Viện) trong nhóm, mỗi trường tối đa 2 nguyện vọng. Tổng số nguyện vọng đăng ký không quá 4 ở đợt xét tuyển nguyện vọng I và không quá 6 ở các đợt xét tuyển bổ sung. 
Ví dụ: Trong đợt xét tuyển nguyện vọng I, thí sinh A đăng ký: nguyện vọng 1 vào ngành Kế toán của Trường Đại học Kinh tế, nguyện vọng 2 vào ngành Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Kinh tế, nguyện vọng 3 vào ngành Kỹ thuật điện, điện tử
của Trường Đại học Bách khoa và nguyện vọng 4 vào ngành Quản trị kinh doanh của Trường Cao đẳng công nghệ Thông tin.

- Thí sinh được phép vừa đăng ký xét tuyển vào 1 trường trong nhóm ở đợt xét tuyển nguyện vọng I hoặc 2 trường trong nhóm ở các đợt xét tuyển bổ sung, vừa đăng ký xét tuyển vào 1 trường ngoài nhóm, mỗi trường tối đa 2 nguyện vọng. Thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào 2 trường trở lên trong nhóm ở đợt xét tuyển nguyện vọng I hoặc 3 trường trở lên trong nhóm ở các đợt xét tuyển bổ sung thì không được đăng ký xét tuyển vào các trường ngoài nhóm. 
Ví dụ: Trong đợt xét tuyển nguyện vọng I, thí sinh B muốn đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Kỹ thuật điện, điện tử, nguyện vọng 2 vào ngành Kỹ thuật cơ – điện tử thuộc Trường Đại học Bách khoa và 2 nguyện vọng khác vào trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh thì trong Phiếu ĐKXT nhóm vào ĐHĐN, thí sinh chỉ ghi hai nguyện vọng 1, 2 và điền các thông tin khác.

- Thí sinh sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới trong Phiếu ĐKXT. Mỗi nguyện vọng đăng ký bao gồm các thông tin sau: 
<Mã trường> -<Tên ngành>- <Mã ngành>-<Tổ hợp môn xét tuyển>
Trường hợp tên ngành không đúng với mã ngành thì thông tin ghi ở tên ngành sẽ được dùng để xét tuyển.
- Thí sinh đăng ký xét tuyển liên thông chỉ chọn các ngành có thông báo tuyển sinh liên thông và ghi rõ trường đã tốt nghiệp trình độ TCCN (đối với liên thông cao đẳng) hoặc trường đã tốt nghiệp trình độ cao đẳng (đối với liên thông đại học). Đại học
Đà Nẵng chỉ xét tuyển liên thông đối với thí sinh đã tốt nghiệp từ các trường TCCN, cao đẳng trong Phụ lục 3 của Đề án này. 
Đại học Đà Nẵng sẽ kiểm tra bằng tốt nghiệp của thí sinh trúng tuyển khi thí sinh làm thủ tục nhập học và có quyền từ chối kết quả xét tuyển nếu thí sinh khai báo không đúng nơi tốt nghiệp. 
- Thí sinh không nhất thiết phải đăng ký đầy đủ tất cả các nguyện vọng. Những nguyện vọng không đăng ký phải gạch chéo để khẳng định.

c) Cách thức nộp hồ sơ:
Thí sinh ĐKXT và nộp lệ phí xét tuyển theo một trong hai hình thức sau: 
- Hình thức 1: Đăng ký trực tuyến;
- Hình thức 2: Gửi Phiếu ĐKXT qua đường bưu điện.
Thí sinh gửi Phiếu ĐKXT (Mẫu 2A cho đợt tuyển sinh nguyện vọng I và Mẫu 2B cho các đợt tuyển sinh bổ sung) qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, chuyển phát ưu tiên đến địa chỉ: Đại học Đà Nẵng, 41 Lê Duẩn, Thành phố Đà Nẵng. 
Trên bì thư ghi rõ: Đăng ký xét tuyển nhóm vào Đại học Đà Nẵng.

d) Cách thức nộp lệ phí:
Lệ phí xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT. Thí sinh chọn một trong các cách sau để nộp lệ phí: 
- Cách 1: Nộp cùng lúc với Phiếu ĐKXT qua đường bưu điện.
Trên phiếu nộp tiền cần ghi đầy đủ các thông tin: Đăng ký xét tuyển nhóm vào ĐHĐN, họ tên thí sinh, ngày sinh, số điện thoại.
- Cách 2: Nộp qua thẻ cào điện thoại di động đối với thí sinh đăng ký trực tuyến.
- Cách 3: Nộp bằng hình thức chuyển khoản đối với thí sinh đăng ký trực tuyến.
+ Đơn vị hưởng: Đại học Đà Nẵng
+ Tài khoản số: 5601 0000 891 048
+ Ngân hàng: BIDV chi nhánh Hải Vân
Khi chuyển khoản, thí sinh cần ghi đầy đủ các thông tin: Đăng ký xét tuyển vào nhóm ĐHĐN, họ tên thí sinh, ngày sinh, số điện thoại.

đ)Thời gian nộp hồ sơ ĐKXT:
Đại học Đà Nẵng nhận hồ sơ ĐKXT theo các đợt xét tuyển do Bộ GD&ĐT quy định, cụ thể như sau: 
- Đợt I: từ ngày 01/8 đến ngày 12/8/2016;
- Bổ sung đợt 1: từ ngày 21/8 đến ngày 31/8/2016;
- Bổ sung đợt 2: từ ngày 11/9 đến ngày 21/9/2016.
Thời gian nhận hồ sơ ĐKXT các đợt bổ sung tiếp theo sẽ được công bố cụ thể trước mỗi đợt xét tuyển tùy thuộc vào số chỉ tiêu còn lại của các đơn vị thành viên trong nhóm.
Thời gian kết thúc xét tuyển đối với tuyển sinh đại học là 20/10/2016 và đối với tuyển sinh cao đẳng là 15/11/2016.

2. Nguyên tắc xét tuyển
a) Xét tuyển các nguyện vọng của thí sinh theo thứ tự ưu tiên trên Phiếu ĐKXT. 
Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp các nguyện vọng sau.
b) Trong mỗi ngành, xét tuyển theo nguyên tắc bình đẳng giữa các nguyện vọng của thí sinh. Các nguyện vọng có thứ tự khác nhau đều có giá trị xét tuyển như nhau vào ngành.
Ví dụ: Trọng đợt xét tuyển nguyện vọng I, ngành X với 60 chỉ tiêu có 100 nguyện vọng đăng ký xét tuyển, trong đó có 20 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1, 30 thí sinh đăng ký nguyện vọng 2, 40 thí sinh đăng ký nguyện vọng 3 và 10 thí sinh đăng ký nguyện vọng 4. Khi xét tuyển, 60 thí sinh có số điểm xét tuyển cao nhất sẽ được chọn, không phụ thuộc vào thứ tự nguyện vọng của thí sinh. 
c) Đối với các ngành có nhiều tổ hợp xét tuyển, mức chênh lệch điểm chuẩn giữa các tổ hợp do các đơn vị thành viên quy định, được công bố công khai trước mỗi đợt xét tuyển.

Thông tin chi tiết xem tại: Đường link này